Block nhánh tim là một dạng rối loạn nhịp tim, tình trạng này có thể gây gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn dẫn truyền xung động ở tim. Bệnh gây nên nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe nên cần phát hiện và điều trị sớm.
Block nhánh là gì?
Block nhánh tim là tình trạng có sự chậm trễ hoặc tắc nghẽn dọc theo con đường mà các xung điện truyền đi để làm cho tim đập. Đôi khi nó khiến tim khó bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể. Tắc nghẽn có thể xảy ra ở đường dẫn truyền bên trái hoặc bên phải của tim.
Nhịp đập bình thường của tim được hình thành đầu tiên nhờ tín hiệu điện của nút xoang. Tín hiệu điện này lan truyền ra khắp tâm nhĩ làm buồng nhĩ co bóp đẩy máu xuống tâm thất. Sau đó, tín hiệu điện lan xuống nút nhĩ thất, và lan dọc các đường dẫn truyền bên trái và bên phải tim, kích thích buồng thất co bóp đồng bộ và hiệu quả.
Ngay sau khi nút xoang nhĩ phát ra tín hiệu, nút nhĩ thất sẽ nhận được tín hiệu này, nút này sẽ gửi tín hiệu đến tâm thất khiến chúng co bóp và bơm máu ra khỏi tim. Các sợi cơ mang tín hiệu từ nút nhĩ thất đi vào thành phân chia tâm thất rồi chia thành hai nhánh là bó nhánh.
Khi block nhánh tim, tín hiệu điện phải đi theo một con đường khác qua tâm thất. Đường vòng này có nghĩa là một tâm thất co bóp chậm hơn tâm thất kia một phần giây, gây rối loạn nhịp tim.
Các loại block nhánh tim thường gặp
Tùy thuộc vào vị trí giải phẫu của khiếm khuyết dẫn đến bệnh mà block nhánh tim được phân thành các loại:
Block nhánh trái
Block nhánh trái xảy ra khi có sự gián đoạn dọc theo con đường gửi tín hiệu điện đến tâm thất trái của tim. Block nhánh trái ảnh hưởng đến khoảng 0,06-0,1% dân số Hoa Kỳ. Khoảng 33% số người bị suy tim mắc block nhánh trái.
Block nhánh trái được phân chia dựa theo mức độ tắc nghẽn và ảnh hưởng của nó lên tim: block nhánh trái hoàn toàn và block nhánh trái không hoàn toàn.
Ngoài ra, có một dạng khác là block phân nhánh. Nhánh trái được chia thành phân nhánh trái trước và phân nhánh trái sau. Block phân nhánh trái trước là khi tắc nghẽn chỉ xảy ra ở phân nhánh trái trước. Ngược lại, block phân nhánh trái sau là khi tắc nghẽn chỉ xảy ra ở phân nhánh trái sau.
Block nhánh phải
Block nhánh phải xảy ra khi có sự gián đoạn dọc theo con đường gửi tín hiệu điện đến tâm thất phải của tim. Block nhánh phải phổ biến hơn so với block nhánh trái, nó ảnh hưởng đến khoảng 0,8% số người ở độ tuổi 50 và 11,3% người ở độ tuổi 80.
Block nhánh phải cũng được chia thành block nhánh phải hoàn toàn và block nhánh phải không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn là thể nhẹ hơn so với block nhánh phải hoàn toàn.
Block hai bó
Đây là sự kết hợp giữa block nhánh phải và block phân nhánh trước trái hoặc block phân nhánh trái sau.
Block ba bó
Đây là sự kết hợp của block nhánh phải với block phân nhánh trước trái hoặc block phân nhánh trái sau cùng với block nhĩ thất.
Block phân nhánh/block nhánh phụ thuộc tần số
Trong trường hợp này, tắc nghẽn chỉ xuất hiện ở mức nhịp tim nhanh. Trong hầu hết trường hợp, block phân nhánh/block nhánh phụ thuộc tần số là lành tính, nhất là khi xuất hiện ở các mức tần số tim rất cao.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra block nhánh tim có thể khác nhau tùy thuộc vào việc nhánh bên trái hay nhánh bên phải bị ảnh hưởng. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh cơ tim giãn nở
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh động mạch vành
- Suy tim
- Viêm cơ tim/viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
- Bệnh van tim
- Bệnh cơ tim
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Tăng áp phổi
Triệu chứng block nhánh tim thường gặp
Ở hầu hết mọi người, block nhánh tim không gây ra triệu chứng. Một số người mắc bệnh này không biết bản thân mình bị block nhánh tim. Nếu có các triệu chứng, thường là:
- Chóng mặt: Hầu hết bệnh nhân block nhánh tim không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể thấy xây xẩm, choáng váng từng cơn, nhất là ở những bệnh nhân có block nhĩ thất nặng (block nhĩ thất độ 2, độ 3).
- Ngất xỉu: Việc thiếu tín hiệu có thể làm chậm nhịp tim. Nhịp tim chậm có thể dẫn đến ngất xỉu, nhịp tim không đều và các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Rối loạn nhịp tim: Bệnh nhân có thể thấy nhịp tim quá chậm, hụt nhịp tim từng đợt.
- Khó thở: Ở những người bị suy tim, block nhánh trái đôi khi có thể làm cho các triệu chứng như khó thở và mệt mỏi trở nên trầm trọng hơn.
Biến chứng block nhánh tim có thể xảy ra
Bệnh nhân mắc block nhánh trái và block nhánh phải cùng lúc, sẽ gây tắc nghẽn hoàn toàn tín hiệu điện từ buồng trên đến buồng dưới của tim. Việc thiếu tín hiệu có thể làm chậm nhịp tim. Nhịp tim chậm có thể dẫn đến ngất xỉu, nhịp tim không đều và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Vì block nhánh tim ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim, nên đôi khi nó có thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác các bệnh tim mạch khác, đặc biệt là các cơn đau tim. Block nhánh tim có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát hiện, quản lý và điều trị các vấn đề của tim.
Điều trị block nhánh tim
Nếu bệnh nhân bị block nhánh tim nhưng không có triệu chứng, có thể không cần phải điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc để kiểm soát các vấn đề khác như huyết áp cao hoặc các triệu chứng suy tim.
Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng như ngất xỉu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng máy điều hòa nhịp tim.
Nếu người bệnh bị suy tim hoặc mắc bệnh cơ tim giãn nở, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) bằng máy tạo nhịp tim hai tâm thất. Loại máy tạo nhịp tim này giúp cả hai tâm thất co bóp cùng một lúc, giúp giảm bớt các triệu chứng như khó thở.
Cách phòng ngừa block nhánh tim
Để phòng ngừa block nhánh tim và các vấn đề tim mạch khác, mỗi người nên có sự điều chỉnh trong lối sống và sinh hoạt:
- Có chế độ ăn uống tốt cho tim mạch bằng cách: Tăng cường bổ sung trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo, thịt nạc… Hạn chế lượng muối trong khi chế biến, giảm những thực phẩm được chế biến sẵn, đồ đóng hộp, món ăn được chế biến nhiều dầu mỡ
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì tập khoảng 5 buổi/tuần, mỗi buổi tập khoảng 30 phút
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Quản lý mức cholesterol
- Không hút thuốc và tránh cả thuốc lá thụ động
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Do khó nhận biết bệnh khi mắc phải, đôi khi bệnh có thể không rõ nguyên nhân, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vậy nên bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Leave a reply