Block nhánh phải là 1 dạng rối loạn nhịp tim lành tính, song tình trạng này có thể dẫn đến khó thở, hồi hộp trống ngực hoặc đau ngực.
Block nhánh phải là bệnh gì?
Block nhánh phải là hiện tượng rối loạn dẫn truyền trong thất, cụ thể là xung điện truyền qua buồng tim bên phải so với buồng tim bên trái chậm hơn và hệ quả là hai bên tim không cùng chung nhịp co bóp.
Block nhánh phải được chia thành hai loại là block nhánh phải hoàn toàn và block nhánh phải không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn là một thể nhẹ của block nhánh phải hoàn toàn.
Block nhánh phải hoàn toàn
Những tiêu chuẩn giúp chẩn đoán bệnh block nhánh phải hoàn toàn trên ECG:
- QRS >= 0.12s.
- QRS 3 pha ở V1, V2 (tai thỏ) dạng RSr’, rsR’.
- S rộng ở V5, V6, aVL, DI.
- ST chênh xuống và T âm từ V1 đến V3.
Triệu chứng của block nhánh phải hoàn toàn thường rõ ràng và nguy hiểm hơn. Cụ thể, như nhịp tim giảm xuống dưới 40 lần/phút, người bệnh có thể ngất xỉu, choáng váng và thậm chí là ngưng tim tạm thời.
Block nhánh phải không hoàn toàn
Điện tim block nhánh phải không hoàn toàn chỉ khác block nhánh phải hoàn toàn ở chỗ QRS giãn ít hơn, chỉ từ 0.09 – 0.11s. Đồng thời đây là thể lành tính hơn block nhánh phải hoàn toàn.
Nếu xảy ra ở người bình thường, block nhánh phải không hoàn toàn thường không có triệu chứng và không gây nguy hiểm đáng kể. Do đó người bệnh chỉ cần theo dõi định kỳ từ 6 tháng – 1 năm.
Tuy nhiên nếu người bệnh mắc block nhánh phải không hoàn toàn nhưng không kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo như hở van tim, nhồi máu cơ tim,… thì dần dần bệnh sẽ tiến triển thành block nhánh phải hoàn toàn và gây ra những biến chứng nguy hiểm sau này.
Nguyên nhân gây bệnh
Block nhánh phải có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là hệ quả của một bệnh lý nào đó liên quan đến tim mạch, bệnh phổi hay biến chứng sau khi người bệnh đã trải qua một thủ thuật hay phẫu thuật trên tim. Những trường hợp này bao gồm:
- Viêm cơ tim
- Chấn thương ở ngực
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh nhân đặt ống thông tim phải
- Thay đổi trong cấu trúc nhánh
- Người mắc các bệnh về phổi
- Tình trạng tăng kali trong máu
- Bệnh Lenegre
Những dấu hiệu của bệnh
Trên thực tế, hiện tượng block nhánh phải thường sẽ xảy ra ở người bệnh mắc block nhánh phải đi kèm với một số bệnh lý về tim mạch và hô hấp. Một số triệu chứng điển hình của block nhánh phải có thể kể đến như:
- Chóng mặt
- Khó thở và dễ mệt khi vận động hoặc khi tập thể dục
- Đau tức ngực
- Hồi hộp đánh trống ngực.
Trong trường hợp người bệnh bị block hoàn toàn nhánh phải, đôi khi nhịp tim sẽ đập chậm lại và giảm xuống mức 40 nhịp/phút. Điều này khiến chức năng bơm máu của tim bị suy giảm từ đó dẫn đến thiếu máu, thiếu oxy. Khi thiếu hụt oxy để bơm lên não, người bệnh thường có một số biểu hiện như mệt mỏi, choáng váng, ngất, thậm chí là bị ngưng tim tạm thời.
Trên lâm sàng, block nhánh phải không hoàn toàn thường ít bộc lộ rõ ràng các triệu chứng hơn so với block nhánh phải hoàn toàn.
Block nhánh phải có nguy hiểm không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh block nhánh phải đa phần đều lành tính và không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên nếu mắc đồng thời block nhánh phải kèm theo các bệnh lý tiềm ẩn về tim mạch hoặc hô hấp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như ngất xỉu, ngừng tim đột ngột.
Do đó, nếu được chẩn đoán block nhánh phải bạn cũng không được chủ quan. Hãy thường xuyên theo dõi sức khỏe bản thân và thăm khám định kỳ 6 tháng – 1 năm để từ đó phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường cũng như can thiệp sớm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Điều trị block nhánh phải
Tùy thuộc vào các bệnh lý đi kèm, các triệu chứng lâm sàng mà có thái độ xử trí, điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Đối với người trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch hay bệnh phổi thì block nhánh phải không được coi là bệnh, do hiếm khi gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim do đó chưa cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần khám định kỳ 1 – 2 năm một lần và làm điện tâm đồ ECG để theo dõi tiến triển của bệnh nếu phát hiện bị block nhánh phải.
- Đối với người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Trường hợp block nhánh phải không hoàn toàn, bệnh dễ tiến triển sang thể nặng (block nhánh phải hoàn toàn). Khi đó, quá trình điều trị cần tập trung vào điều trị các bệnh lý đó vì đó là nguyên nhân gây bệnh.
- Một số trường hợp block nhánh phải nặng (như hội chứng nút xoang, sau nhồi máu cơ tim…) gây nhịp tim chậm có nguy cơ tử vong cao cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Biện pháp phòng ngừa block nhánh phải
Những bệnh lý về tim trong đó có block nhánh phải xảy ra khi chúng ta có lối sống không lành mạnh và dùng nhiều loại thực phẩm có hại cho tim. Theo đó, có các biện pháp phòng ngừa block nhánh phải được các bác sĩ chuyên khoa khuyến khích như:
- Thường xuyên theo dõi các triệu chứng của bệnh, đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường như khó thở, đau tức ngực, nặng ngực…
- Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,… vì đây là các chất khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên nặng hơn.
- Ăn nhiều loại thực phẩm xanh, rau có màu xanh đậm, trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, đồng thời giảm cholesterol, giảm mỡ máu và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
- Tránh căng thẳng quá mức, xây dựng lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc, đúng giờ, chăm vận động nhẹ nhàng với các bộ môn như đi bộ, yoga, đạp xe,… việc này giúp thúc đẩy lưu thông máu và khả năng co bóp của tim.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm không lành mạnh và nghèo dinh dưỡng đặc biệt là snack, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas,…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần để theo dõi và phát hiện sớm các chỉ số bất thường của cơ thể.
Block nhánh phải mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu bạn đang có bệnh lý tim mạch hoặc bệnh phổi tiềm ẩn thì có thể gây ngừng tim đột ngột do đó cần tái khám định kỳ và thay đổi lối sống lành mạnh.
Leave a reply