Block nhánh trái xảy ra khi xung điện điều khiển nhịp tim bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn. Bệnh có thể trở nên nguy hiểm hơn nếu người bệnh có kèm theo bệnh nền.
Block nhánh trái là bệnh gì?
Block nhánh trái là hiện tượng gián đoạn dẫn truyền một phần hoặc toàn bộ tín hiệu điện tim ở nhánh bên trái, dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim.
Khi tim bị block nhánh trái, nhánh mang xung điện đến tâm thất trái sẽ bị chặn một phần hoặc hoàn toàn. Vì vậy, tâm thất trái co bóp muộn hơn bình thường một chút. Điều này có thể gây ra sự co bóp không đồng bộ của tim. Kết quả là tim tống máu kém hiệu quả hơn.
Cơ chế hình thành block nhánh trái
Do xung động đi quanh co từ bó nhĩ thất phải rồi mới dẫn truyền sang bó nhĩ thất trái (do block nhánh trái) dẫn tới QRS rộng trên điện tâm đồ.
Quy trình khử cực trong block nhánh trái:
- Xung động dẫn truyền xuống bó nhĩ thất nhưng bị tắc nghẽn (do bị block) sẽ khiến xung động tạo ra một vector khử cực bên phải (hướng về V1, V2 tạo sóng R nhỏ).
- Sau khi thất phải khử cực xong thì các xung động đi qua bên trái, tạo thành vector thứ hai hướng nhiều qua hướng bên trái (thành bên và đáy) khử cực bên trái (hướng về V5, V6 tạo thành sóng R dương), xuất hiện hiện tượng tăng điện thế.
Quá trình tái cực trong block nhánh trái:
- Bên phải tái cực trước, bên trái tái cực sau.
- Điện thế tái cực bên trái cao hơn bên phải.
- Vector tái cực hướng từ trái sang phải.
- ST-T chênh xuống ở các chuyển đạo bên trái.
- ST-T chênh lên ở các chuyển đạo bên phải.
Các dạng block nhánh trái
Trên thực tế, mỗi bệnh nhân lại có một tình trạng bệnh khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào mức độ chậm của dẫn truyền hoặc mất hoàn toàn tín hiệu điện tim. Cụ thể:
- Block nhánh trái một phần (không hoàn toàn): Tình trạng này xảy ra khi đường dẫn truyền điện tim ở nhánh trái bị tắc bán phần chứ không tắc hoàn toàn. Lúc này, một phần tín hiệu điện tim vẫn được truyền đến vùng cơ tim của nhánh trái. Chức năng tim vẫn bị suy yếu nhưng không quá nghiêm trọng.
- Block nhánh trái toàn phần (hoàn toàn): Điều này chỉ xuất hiện khi tín hiệu điện tim ở nhánh trái hoàn toàn bị tắc nghẽn khiến cho tín hiệu điện tim không còn khả năng ra/vào vùng tim này nữa. Từ đó, khả năng bơm máu ngay lập tức sẽ bị ngắt quãng.
- Block phân nhánh trái sau: Trường hợp block phân nhánh trái sau ít phổ biến hơn so với block phân nhánh trái trước. Nguyên nhân là do các phân nhánh sau phân bố thưa thớt hơn, nên nó chỉ xảy ra khi đã có tổn thương một lượng lớn cơ tim. Block phân nhánh trái sau xảy ra khi tắc nghẽn, và chỉ ở phân nhánh trái sau.
- Block phân nhánh trái trước: Block phân nhánh trái trước xảy ra khi khi tắc nghẽn, và chỉ ở phân nhánh trái trước. Block phân nhánh (bao gồm phân nhánh trái trước hoặc phân nhánh trái sau) có thể đi kèm với block nhĩ thất và block nhánh phải để tạo thành block 2 bó hoặc block 3 bó.
Nguyên nhân gây ra block nhánh trái
Block nhánh trái (hoặc phải) có thể do nhánh đó bị cắt đứt, thoái hóa hay thương tổn, xung động từ nhĩ truyền xuống sẽ phải đi vào nhánh phía bên kia và tiến hành khử cực thất bên đó trước rồi mới chuyển sang khử cực thất bị block sau.
Các nguyên nhân có thể gây ra block nhánh trái bao gồm:
- Chứng hẹp động mạch chủ.
- Bệnh lý tim thiếu máu.
- Suy tim giai đoạn cuối (giãn lớn thất trái gây mất đồng bộ 2 thất)
- Tăng huyết áp.
- Bệnh lý cơ tim giãn.
- Nhồi máu cơ tim (tắc nhánh LAD)
- MI thành trước.
- Bệnh thoái hóa tiên phát hệ thống dẫn truyền (bệnh Lenegre).
- Tăng kali máu.
- Nhiễm độc tính Digoxin.
Dấu hiệu block nhánh trái
Các triệu chứng của bệnh block nhánh trái thường không rõ ràng, nó tương tự như cảm giác chóng mặt, xây xẩm, mệt mỏi thông thường. Vì vậy, nhiều người thường chủ quan và chỉ nhận ra bệnh khi bước vào giai đoạn nghiêm trọng.
Block nhánh trái có những triệu chứng điển hình sau đây:
- Khó thở
- Choáng váng khi đứng lên, ngồi xuống
- Đau thắt ngực
- Ngất xỉu
- Buồn nôn và nôn
- Hạ huyết áp đột ngột.
Triệu chứng thể hiện qua chỉ số điện tâm đồ
- Thời gian sống QRS rộng, lớn hơn hoặc bằng 0,12 giây
- R đơn pha xuất hiện các khía tại V5 và V6
- Sóng QRS có dạng rS tại V1 và V2
- Đoạn ST bị chênh xuống còn T âm tại V5, V6, aVL và DI.
Ở những người không có bệnh tim thực thể, block nhánh trái không gây ra bất kỳ rủi ro cụ thể nào, mặc dù trong tương lai lâu dài bệnh nhân có thể diễn tiến đến suy tim. Ở những bệnh nhân block nhánh trái đột ngột mới xuất hiện, tỷ lệ tử vong do tình trạng này cao hơn 10 lần bình thường.
Ở bệnh nhân suy tim, sự hiện diện của block nhánh trái có thể làm tăng diễn tiến mức độ suy tim và tử vong.
Điều trị Block nhánh trái
Bản thân block nhánh trái không có cách điều trị cụ thể. Tình trạng này thường kéo dài vĩnh viễn và cần điều trị các bệnh tim nền.
Ngoại trừ trường hợp bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu có nhịp xoang và block nhánh trái có thời gian QRS > 150ms với suy tim độ 2, độ 3, độ 4. Những trường hợp này được điều trị bằng liệu pháp tái đồng tim theo khuyến nghị của Hội Tim mạch học Mỹ (ACC) và Tổ chức Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Liệu pháp cấy ghép thiết bị tái đồng bộ tim CRT đã được chứng minh là giúp giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm dân số này tới 37%.
Tái đồng bộ tim cũng nên được xem xét ở những bệnh nhân không có nhịp xoang (rung nhĩ EG) và thời gian QRS từ 120 – 149 nhưng khuyến nghị ít hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng liệu pháp cấy ghép thiết bị tái đồng bộ tim không loại bỏ block nhánh trái mà được thực hiện bằng cách sử dụng máy tạo nhịp tim hai tâm thất để tạo nhịp đồng thời cho cả tâm thất trái và phải. Quá trình này giúp khôi phục tính đồng bộ trong co bóp cơ tim một cách nhân tạo.
Biện pháp phòng ngừa block nhánh trái
Có thể giảm nguy cơ mắc block nhánh trái và các vấn đề về tim khác bằng cách điều chỉnh về lối sống và sinh hoạt khoa học hơn, bao gồm:
- Có chế độ ăn tốt cho tim mạch: Ăn nhạt, hạn chế chất béo, đồ nướng, thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng cường bổ sung thêm rau xanh, các loại trái cây tươi, các loại hạt, cá béo…
- Thực hiện các bài tập có lợi cho tim mạch một cách đều đặn như: tập yoga, đạp xe, đi bộ…
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, nên thực hiện giảm cân khoa học nếu thừa cân – béo phì
- Kiểm soát tốt mức huyết áp
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá căng thẳng, áp lực
- Dành thời gian thư giãn và ngủ đủ giấc mỗi ngày
- Kiểm tra, thăm khám sức khỏe theo định kỳ.
Block nhánh trái có thể không cần điều trị nếu xuất hiện ở người trẻ khỏe mạnh, không có vấn đề về tim tiềm ẩn nào khác. Tuy nhiên, block nhánh trái là mối nguy hiểm đối với bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mạch vành, suy tim, làm tăng nguy cơ đột tử ở những bệnh nhân vừa trải qua nhồi máu cơ tim. Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm block nhánh trái ở những đối tượng nguy cơ là rất quan trọng.
Leave a reply