Hội chứng WPW là một loại rối loạn nhịp tim với biểu hiện là những nhịp tim nhanh bất thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Bệnh khó xác định được nguyên nhân và tị lệ mắc bệnh thấp. Bệnh có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu kèm theo rung nhĩ.
Hội chứng WPW là gì?
Hội chứng WPW (viết tắt của cụm từ Wolff Parkinson White) là hội chứng tiền kích thích với dấu hiệu là những cơn rối loạn nhịp tim. Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện thêm một đường điện phụ bất thường trong tim dẫn đến thời gian của nhịp tim tăng lên.
Thông thường, nhịp đập của tim sẽ được tạo ra nhờ các xung động điện thế phát ra từ nút xoang nhĩ. Xung điện này đi theo hướng từ trên xuống dưới, sau ra trước, phải sang trái. Từ tâm nhĩ xuống tâm thất kích thích cơ tim co bóp.
Nhưng nếu người bệnh mắc phải WPW thì xung động sẽ không đi theo thứ tự như trên mà sẽ đi đường tắt tạo thành một đường dẫn phụ xuống tâm thất. Bởi vì xung điện đi tắt làm cho nhịp tim đập nhanh hơn so với bình thường dẫn đến rối loạn nhịp đập.
Hiện tượng này được gọi là mô hình Wolff – Parkinson – White thường chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh đi khám bệnh. Mặc dù hội chứng Wolff – Parkinson – White thường vô hại, các chuyên gia cũng như các bác sĩ chuyên khoa vẫn đề nghị đánh giá sức khỏe tim mạch của trẻ có hội chứng Wolff – Parkinson – White tham gia các bộ môn thể thao có cường độ cao để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong khoảng 10% – 30% người đã mắc hội chứng WPW có dấu hiệu của rung tâm nhĩ.
Nguyên nhân dẫn tới hội chứng WPW
Nguyên nhân gây ra hội chứng này được cho là có sự bất thường về gen. WPW cũng có thể liên quan đến một số loại bệnh tim bẩm sinh, ví dụ như Ebstein. Nhưng đó chỉ là những suy đoán và cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được tại sao xung điện phụ lại hình thành tạo ra lối tắt.
Phần lớn các trường hợp bệnh đều không thể xác định nguyên nhân. Nhưng cũng sẽ còn những trường hợp do sự đột biến gen PRKAG2 gây ra. PRKAG2 cung cấp hướng dẫn hình thành một loại protein được kích hoạt bằng AMP tham gia vào cấu trúc của enzyme kinase. Enzyme này có vai trò cảm nhận và đáp ứng nhu cầu năng lượng của tế bào, liên quan đến quá trình phát triển hoàn thiện của tim trước khi sinh.
Cho đến hiện tại việc gen PRKAG2 đột biến gây nên hội chứng WPW và các bất thường ở tim vẫn là một ẩn số.
Những biểu hiện của bệnh
Một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của hội chứng Wolff – Parkinson – White gồm có:
- Cảm giác tim đập nhanh đột ngột, rung hay đập mạnh (cơn đánh trống ngực).
- Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng.
- Mệt mỏi, uể oải.
- Khó thở.
- Có thể ngất xỉu.
- Cảm giác hồi hộp, lo âu, căng thẳng.
Ở trẻ em, nhịp nhanh khiến trẻ bỏ ăn, khó thở, quấy khóc, tím tái do thiếu oxy và dấu hiệu mỏm tim đập nhanh dưới ngực trái.
Cơn nhịp tim nhanh có thể bắt đầu đột ngột và kéo dài vài giây thậm chí vài giờ. Các đợt nhịp tim nhanh này có thể xảy ra trong lúc tập thể dục hoặc khi nghỉ ngơi. Các chất kích thích như rượu, bia, caffeine… có thể gây kích thích cơn nhịp nhanh. Trong một số trường hợp bệnh nặng hơn, người bệnh mắc hội chứng Wolff – Parkinson – White có thể gặp:
- Đau ngực.
- Tức ngực.
- Khó thở nhiều.
- Ngất xỉu.
Một vài trường hợp bệnh nhân được theo dõi các cơn loạn nhịp bằng điện tâm đồ liên tục, xác định rõ vị trí của đường dẫn xung điện phụ bằng phương pháp đưa đầu dò vào buồng tim. Hầu hết các trường hợp mắc WPW có tiên lượng tốt. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp nặng dẫn đến tụt huyết áp gây đột tử.
Hội chứng WPW không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nhiều người, nhưng sẽ để lại biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, bạn sẽ đối mặt với những nguy cơ chết người như đột tử, huyết áp thấp, suy tim, ngất xỉu thường xuyên.
Điều trị hội chứng WPW
Trong nhiều trường hợp, không có biểu hiện bệnh rõ, hội chứng Wolff – Parkinson – White là vô hại, nếu thời gian xuất hiện ngắn và ổn định thì phần lớn không cần điều trị. Trong trường hợp, các triệu chứng của bệnh xuất hiện với mức độ thường xuyên và nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được theo dõi và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm hơn.
Mục tiêu của điều trị hội chứng WPW bao gồm: Dừng cơn nhịp nhanh trên thất và ngăn ngừa cơn nhịp nhanh tái phát trong tương lai.
Dừng cơn nhịp nhanh trên thất
Hiện nay, có 3 phương pháp chính được dùng trong điều trị cơn nhịp nhanh trên thất do hội chứng Wolff – Parkinson – White gồm:
- Bài tập Vagal: Với bài tập này, người bệnh sẽ hít một hơi thật sâu, bịt mũi, ngậm chặt miệng và cố gắng thở ra hết sức: Bài tập này sẽ kích thích vào dây thần kinh phế vị (dây X) và làm chậm các tín hiệu điện tim, khiến tim đập chậm lại.
- Dùng thuốc: Adenosine là loại thuốc thường được sử dụng khi người bệnh điều trị tại viện, khi đã thực hiện bài tập Vagal không có tác dụng.
- Sốc tim: Các bác sĩ sẽ dùng phương pháp sốc điện nhằm loại bỏ các tín hiệu điện tim hiện bị rối loạn.
Ngăn ngừa cơn nhịp nhanh trên thất tái phát
Để đề phòng các cơn nhịp nhanh trên thất tái phát gây ra bởi hội chứng Wolff – Parkinson – White, người bệnh cần thực hiện một số điều sau:
- Thay đổi lối sống: Hạn chế uống bia rượu, luyện tập thể dục thể thao ở mức độ vừa phải sẽ góp phần hạn chế cơn nhịp nhanh trên thất.
- Dùng thuốc theo y lệnh: Loại thuốc chống loạn nhịp như amiodarone có tác dụng ngăn ngừa cơn nhịp nhanh tái phát do thuốc có khả năng làm chậm các xung điện có trong tim.
- Đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần: Đây là phương pháp hiện đại, giúp loại bỏ đi đường nối phụ bẩm sinh ở tim.
Tùy vào vị trí của những đường phụ màu bác sĩ sẽ tiến hành lựa chọn cách tiếp cận cắt đốt phù hợp để hủy đường dẫn truyền phụ. Tỷ lệ thành công của việc cắt đốt đường phụ này cao (khoảng 95-97%). Tuy nhiên một số đường phụ nằm quá sâu trong tim, bản thân đường phụ quá dày (rộng), có nhiều đường phụ cùng lúc thì việc cắt đốt hủy đường phụ sẽ khó khăn hơn và có thể tái phát sau này.
Một trường hợp nữa là vị trí đường phụ nằm quá gần đường dẫn truyền chính trong tim, lúc này việc cắt đốt đường phụ có thể có nguy cơ làm tổn thương đường dẫn truyền chính vĩnh viễn, gây ra nghẽn dẫn truyền trong tim làm tụt nhịp tim rất thấp nguy hiểm. Khi gặp rủi ro này, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Hội chứng WPW có thể được điều trị triệt căn nếu bệnh phát hiện kịp thời, tránh để lâu dài sẽ dẫn đến những biến chứng không đáng có. Vì thế bạn cần thiết khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần ngoài để phát hiện hội chứng này thì còn có những vấn đề sức khỏe khác.
Leave a reply