Bệnh rối loạn nhịp tim là một tình trạng bất thường về nhịp tim, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ thời điểm nào. Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng nhịp tim đập quá chậm, quá nhanh gây ra biến chứng nặng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.
Rối loạn nhịp tim là bệnh gì?
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
Tần số nhịp tim ở người bình thường từ 60 đến 100 nhịp/phút. Tần số tim có thể chậm hơn ở người trẻ, đặc biệt là vận động viên và trong khi ngủ. Tần số tim có thể nhanh hơn khi bị sốt, gắng sức hoặc cảm xúc tâm lý căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ…
Rối loạn nhịp tim sẽ làm tim bơm máu không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, não và các cơ quan khác, thậm chí có thể gây ngừng tim đột ngột.
Rối loạn nhịp tim có nhiều loại, gặp ở người có bệnh lý nền và ngay cả người khỏe mạnh. Một người có thể cùng lúc gặp nhiều loại rối loạn nhịp tim, cũng có thể chuyển từ rối loạn nhịp tim này sang rối loạn nhịp tim khác.
Các loại rối loạn nhịp tim
Dưới đây là một số loại rối loạn nhịp tim thường gặp:
- Rung nhĩ
- Nhịp nhanh xoang
- Nhịp chậm xoang
- Nhanh nhĩ kịch phát trên thất
- Ngoại tâm thu nhĩ
- Ngoại tâm thu thất
- Hội chứng WPW (Wolf-Parkinson-White)
- Cuồng nhĩ
- Rung thất
- Hội chứng yếu nút xoang
- Block xoang nhĩ
- Block nhĩ – thất
- Block nhánh
Trong đó, rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp. Những nguyên nhân đó có thể là những bất thường hoặc bệnh lý của chính tim gây ra, hoặc do bệnh lý ở các cơ quan khác làm ảnh hưởng đến nhịp tim (ví dụ: bệnh lý tuyến giáp, suy thận gây rối loạn điện giải).
Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Tuy nhiên, một số loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.
Các nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn nhịp tim:
- Sẹo tim do từng bị đau tim.
- Tiền sử phẫu thuật tim mở.
- Mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành…
- Tăng huyết áp.
- Các bệnh về tuyến giáp: cường giáp, suy giáp.
- Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạnh càng lớn.
- Tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
- Bệnh phổi mạn tính, viêm phổi – phế quản cấp.
- Yếu tố di truyền.
- Thiếu máu.
- Rối loạn cân bằng kiềm – toan và điện giải.
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Rối loạn tâm lý, căng thẳng, lao động gắng sức.
- Lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích.
Những ai dễ mắc bệnh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào, tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu, bệnh dễ gặp ở các đối tượng sau:
- Người trên 60 tuổi.
- Người bệnh có bệnh sử tăng huyết áp.
- Người mắc bệnh động mạch vành.
- Bệnh nhân suy tim.
- Bệnh về van tim.
- Người từng phẫu thuật tim mở.
- Người có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Uống nhiều rượu và sử dụng chất kích thích.
- Người trên 60 tuổi từng bị nhiễm trùng hoặc các bệnh nội khoa.
Những triệu chứng của bệnh
Triệu chứng rối loạn nhịp tim ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc vào từng loại rối loạn nhịp tim và bệnh gây ra rối loạn nhịp.
Một số triệu chứng thường gặp:
- Cảm giác hồi hộp, lo lắng
- Đánh trống ngực: cảm giác tim đập mạnh, hẫng một nhịp, tim ngưng vài giây hoặc đập lúc nhanh lúc chậm
- Cảm giác hụt hơi
- Tức ngực
- Cảm thấy mệt
- Nếu bạn bị đánh trống ngực kèm theo một yếu tố dưới đây, bạn nên đi khám ngay:
- Đánh trống ngực kéo dài
- Chóng mặt hoặc thoáng ngất
- Khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc lưng
- Sút cân, mệt mỏi kéo dài
- Đau đầu, vã mồ hôi
- Mới sử dụng một loại thuốc nào đó
Có một số trường hợp rối loạn nhịp tim, bản thân người bệnh không nhận thấy được vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng không gây chú ý; và chỉ được phát hiện khi đo điện tâm đồ. Một số khác thì có triệu chứng dồn dập, thậm chí là phải cấp cứu do rối loạn huyết động nặng nề. Ví dụ: nhịp nhanh thất, rung thất, block nhĩ thất cấp 3, yếu nút xoang…
Sự nguy hiểm của rối loạn nhịp tim
Bệnh loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường, cần sớm gặp bác sĩ, thăm khám để phòng tránh những biến cố nguy hiểm do bệnh gây ra.
Một số dạng rối loạn nhịp tim cần cẩn trọng:
Rung nhĩ
Rung nhĩ thường xảy ra ở buồng tim phía trên của tim (tâm nhĩ), chiếm khoảng 1/3 các trường hợp bệnh loạn nhịp tim. Khi rung nhĩ, nhịp tim tăng nhanh đột ngột, có thể từ 140 – 180 nhịp/phút, tâm nhĩ rung chứ không đập được khiến máu không thể tống xuống buồng tim dưới (buồng thất), hình thành nên các cục máu đông. Cục máu đông có thể vỡ bất cứ lúc nào và gây thuyên tắc động mạch phổi, đột quỵ não.
Rung nhĩ đặc biệt nghiêm trọng với người bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh động mạch vành, viêm tắc phế quản mãn tính bởi khi xuất hiện các cơn rung ở tâm nhĩ tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn.
Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất làm tim bơm máu khi tâm thất chưa đủ máu nên người bệnh thường có các dấu hiệu mệt mỏi. Căn nguyên của bệnh là do sẹo sau khi phẫu thuật tim mạch hoặc sẹo do bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ gây ra.
Rung thất
Là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, thể nặng của nhịp nhanh thất. Rung thất là tình trạng cơ tâm thất rung lên do những xung đột loạn xạ ở buồng tâm thất. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây ngừng tim đột ngột, thậm chí là tử vong do máu không được bơm ra khỏi tim.
Biến chứng nguy hiểm do bệnh loạn nhịp tim nặng và kéo dài.
Suy tim
Khi tim bị loạn nhịp, hiệu quả bơm máu sẽ bị giảm sút. Vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu ra tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Lâu ngày có thể làm tim suy yếu và dẫn đến suy tim.
Đột quỵ
Máu ứ đọng lại tại buồng tim chính là nguyên nhân hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch, gây đột quỵ.
Một số biến chứng khác người bệnh có thể mắc phải như ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim…
Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim
Điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào việc bạn gặp tình trạng tim đập nhanh hay tim đập chậm. Một số rối loạn nhịp tim không cần điều trị. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn.
Các phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
Dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Việc lựa chọn thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp và những biến chứng tiềm ẩn. Ví dụ, thuốc kiểm soát nhịp tim và khôi phục nhịp tim bình thường thường được dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhanh. Nếu bạn bị rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ, thuốc chống đông máu sẽ giúp ngăn ngừa cục máu đông và làm giảm nguy cơ đột quỵ. Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả trị bệnh và phòng ngừa biến chứng.
Thủ thuật/phẫu thuật
Các loại thủ thuật và phẫu thuật được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Cắt đốt qua ống thông (catheter): Trong thủ thuật này, bác sĩ luồn một hoặc nhiều ống thông qua các mạch máu đến tim. Các điện cực ở đầu ống thông sử dụng nhiệt hoặc năng lượng lạnh để tạo ra những vết sẹo nhỏ trong tim, chặn các tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường.
- Máy tạo nhịp tim: Nếu nhịp tim chậm không do những nguyên nhân có thể điều chỉnh được, bác sĩ thường điều trị bằng máy tạo nhịp tim vì không có bất kỳ loại thuốc nào giúp tăng nhịp tim một cách hiệu quả như máy tạo nhịp.
- Máy khử rung tim cấy được (ICD): Thiết bị này thường được gắn cho những bệnh nhân phát triển nhịp tim nhanh hoặc không đều ở các buồng tim phía dưới (nhịp nhanh thất hoặc rung thất). Nếu bạn bị ngừng tim đột ngột hoặc mắc một số bệnh tim làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột, bác sĩ cũng có thể đề nghị gắn ICD.
- Phẫu thuật Maze: Đối với phẫu thuật Maze, bác sĩ tạo một loạt vết rạch trong mô tim ở nửa trên của trái tim (tâm nhĩ) để tạo ra một mê cung gồm các mô sẹo. Bởi vì mô sẹo không dẫn điện, nên nó cản trở các xung điện lạc hướng, từ đó giúp điều trị một số loại rối loạn nhịp tim.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Nếu bạn bị bệnh động mạch vành nặng dẫn đến rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến tim và có thể giúp cải thiện chức năng tim.
Khi điều trị rối loạn nhịp tim, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc giảm bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, cần quay lại tái khám để thay đổi một loại thuốc khác. Ngoài ra, người bệnh cần kiêng caffeine, thuốc lá, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và hạn chế căng thẳng, lo lắng.
Phòng ngừa rối loạn nhịp tim
Bạn có thể phòng ngừa rối loạn nhịp tim bằng cách có lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của rối loạn nhịp tim:
- Kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết.
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Có chế ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ quả, cá; hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đường, muối.
- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc lá.
- Uống rượu bia điều độ.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Kiểm soát căng thẳng, lo lắng.
- Điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần nếu có.
Nếu bạn có các triệu chứng của rối loạn nhịp tim, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tim mạch, cũng như phát hiện rối loạn nhịp tim không có triệu chứng nếu có.
Leave a reply